Trong những năm 1960, khi việc ghi hình bằng nhiếp ảnh vẫn còn tốn kém, ký hoạ từng là phương thức phổ biến để ghi lại những hình ảnh thời sự tại chiến trường. Vậy nên từ Bắc đến Nam, nhiều người trẻ đã tham gia vào khoá ‘Mỹ thuật kháng chiến' và trang bị cho bản thân những kỹ năng như một người lính để có thể tác nghiệp ở những mặt trận ác liệt nhất.
Tranh của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm được ra đời trong hoàn cảnh ấy, khi một bên là tiếng gầm rú của máy bay, một bên là tiếng nổ của đạn bom. Từ năm 1954 đến những năm 1960-1970, cố hoạ sĩ đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên Phủ và của những bà con các vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Hơn nửa thế kỷ sau, họa sĩ Đinh Quang Hải cũng bắt đầu dự án Vẽ-Đi-Tre của mình tại những nơi mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua nhằm ghi lại những cảm nhận về phong cảnh và nếp sinh hoạt của người dân các vùng miền qua con mắt đương thời. Anh vẫn chọn cách ‘ghi hình chậm’, dùng giấy và màu nước, dẫu nhiếp ảnh đã là một phương tiện phổ biến và tức thời.
‘Hồi sinh’ vì thế như một bản song tấu về một thời đạn bom và sự trở lại của cuộc sống tại những nơi trước kia chỉ có hoang tàn vì chiến tranh. Người thưởng lãm như bước lên chuyến tàu ngang dọc hai điểm thời gian của nước Việt để nhìn thấy những đổi thay sau hơn nửa thế kỷ tại những nơi từng là vùng đất lửa…
Khai mạc vào 18 giờ ngày 15 tháng 12, triển lãm sẽ mở cửa tự do tham quan từ ngày 16 tháng 12 đến hết ngày 25 tháng 12 tại Lotus Gallery (Tầng 1, Trung tâm C space, 12-13 Đường N1, Khu thương mại Nam, phường Tân Thuận Đông, Quận 7).
Lotus mong bạn!