Tranh thủy mặc, hay còn gọi là tranh ‘mực nước’, là loại hình hội họa truyền thống xuất phát từ Trung Quốc. Tranh thủy mặc phần lớn vẫn trung thành với màu đen và sắc độ của mực, nhưng trong một số trường hợp, họa sĩ thủy mặc có thể thêm màu sắc để làm nổi bật chủ ý riêng. Thủy mặc đòi hỏi sự tinh tế trong việc kiểm soát bút pháp, độ dày mỏng của mực, và cách tạo dựng chiều sâu không gian chỉ qua những nét mực dứt khoát mà tinh giản.
Vậy thì, mối lương duyên nào đã đưa thuỷ mặc trở thành một phần của mỹ thuật Việt Nam?
Theo dòng chảy di cư của người Hoa vào Chợ Lớn, tại đây vào những năm giữa thế kỷ hai mươi, danh họa thủy mặc Lương Thiếu Hằng đã sáng lập trường Đông Phương Nghệ Uyển, cái nôi của nhiều thế hệ họa sĩ tranh thủy mặc tài danh, trong số đó có cố họa sĩ Trương Hán Minh (1951-2021).
Sinh ra và trưởng thành trong cộng đồng Hoa kiều tại Chợ Lớn đã phần nào định hình tư duy biểu đạt của Trương Hán Minh. Trên các tác phẩm, ông lưu giữ những nét đặc trưng về kỹ thuật nhưng nội dung và tinh thần vượt ra khỏi những cảnh vật quen thuộc trong tranh thủy mặc truyền thống Trung Hoa như sơn thủy, hoa điểu hay mai lan cúc trúc. Các tác phẩm còn chứa đựng những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, cùng phong cảnh trải dài khắp các vùng miền Việt Nam.
Cố họa sĩ từng chia sẻ: “Để làm nên diện mạo của một bức tranh thủy mặc phải chú trọng cả ba thứ: hình, thần và ý. Hình là cái cốt để gửi ý; thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Màu chỉ trong một nét mực đen nhưng nếu là cao thủ thì phải thể hiện được bảy màu”.
Qua những lần biểu diễn vẽ trực tiếp tại các triển lãm, ông nổi danh với khả năng hoàn thành một tác phẩm với tốc độ đáng kinh ngạc, thường chỉ trong vòng vài phút. Khi vẽ, nét bút đi qua là không thể sửa, mỗi nét đều chắc chắn và chính xác, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về bố cục, ánh sáng, và sắc độ.
Theo phân loại chính thức của nhà nước, người Hoa được coi là một trong 54 dân tộc thiểu số của Việt Nam. Dù đã qua nhiều thế hệ, những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa không bị đồng hóa, mà thay vào đó, nó tồn tại song song và tương tác với văn hóa nguyên cư của người Việt.
Cũng như thế, cùng với các giá trị tinh hoa khác của cộng đồng người Hoa du nhập vào nước ta, tranh thủy mặc vẫn tồn tại độc lập như một nhánh nhỏ trong nền Mỹ thuật Việt Nam, không mất đi bản chất nguyên thủy mà tiếp tục phát triển bên cạnh các loại hình nghệ thuật bản địa khác.